ĐỂ TRÁNH MẤT TIỀN VÀ RƯỚC BỰC VÀO NGƯỜI ( Phần 02)
ĐỐI VỚI BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG THẾ CHẤP TẠI NGÂN HÀNG
Đối với hợp đồng đặt cọc mà người bán cầm trên tay sổ hồng gốc ( không thế chấp tại ngân hàng) mình có chia sẻ phần 01. Đối với hợp đồng đặt cọc mà sổ hồng người bán đang thế chấp tại ngân hàng, thì cần thêm vài thao tác quan trọng khác, hôm nay Út chia sẻ với cả nhà qua bài viết này.
Trường hợp thứ nhất: Người bán có khả năng giải chấp ( Có sẵn tiền trả nợ ngân hàng).
Ở công đoạn kiểm tra thông tin mảnh đất và thông tin người bán ( lúc này sổ đang ở ngân hàng), mình có HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT. Trong HĐTCQSDĐ, có thông tin đầy đủ về Tài sản thế chấp và thông tin bên người được cấp tín dụng ( người vay).
Trường hợp nếu không có đầy đủ giấy tờ để kiểm tra thông tin đất có trùng khớp với thông tin người bán hay không, vậy để đảm bảo mọi thứ được AN TOÀN NHẤT, thì nên chọn phương án: người bán, nguời mua, môi giới cùng đến ngân hàng để xác minh thông tin. Lúc này, bên ngân hàng sẽ hỗ trợ thông tin để 02 bên thực hiện hợp đồng cọc ngay tại ngân hàng.
( Hoặc để rút ngắn thời gian và công sức, anh chị có thể kết nối với môi giới uy tín tại khu vực bds đang thế chấp, để kiểm tra chéo thông tin đất và thông tin vay bên ngân hàng – khâu này cần môi giới đã có những mối quan hệ chất lượng thì làm rất là gọn).
*Nội dung trong hợp đồng cọc cần ghi rõ: ( NGOÀI NỘI DUNG VÀ ĐIỀU KHOẢN Út có chia sẻ bài trước)
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đang được thế chấp tại ngân hàng ( Ghi rõ tên ngân hàng, địa chỉ ), số hợp đồng là ( ghi cụ thể ).
2. Ngày công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là (cụ thể) bên bán có nghĩa vụ hoàn thành giải chấp và xóa chấp trước ngày công chứng chuyển nhượng là ngày ( cụ thể).
Trường hợp thứ hai: Người bán không có khả năng giải chấp. (Trường hợp này người bán thương thảo và mong muốn được bên người mua hỗ trợ giải chấp thì mới lấy sổ hồng để sang tên ).
*Nội dung trong hợp đồng cọc cần ghi rõ:
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đang được thế chấp tại ngân hàng ( Ghi rõ tên ngân hàng, địa chỉ ), số hợp đồng là ( ghi cụ thể ).
2. Số tiền đặt cọc là ( bằng số, bằng chữ) , người bán dùng số tiền ( bằng số, bằng chữ) với mục đích giải chấp và xóa chấp tại ngân hàng ( cụ thể), hợp đồng số ( cụ thể).
3. Ngày công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là ( ghi ngày cụ thể) bên bán có nghĩa vụ hoàn thành việc giải chấp và xóa chấp trước ngày công chứng chuyển nhượng là ngày ( cụ thể).
Để mọi chuyện được gọn gàng, mình rút ra bài học là mình cần sắp xếp thời gian thực sự thực sự hợp lý, và nhờ thêm sự hỗ trợ của các bên mình có quen biết. Đó là việc giải chấp và xóa chấp làm gọn trong 01 ngày, hoặc chậm nhất là 02 ngày. Để không ảnh hưởng đến thời gian công chứng đã thương thảo.
Lúc đã thế chấp sổ hồng thì người bán không còn quyền định đoạt BDS nữa, nên nội dung cần được ghi rõ ý này. Nếu bất động sản giá trị quá lớn, thì nên có “ Văn bản chấp thuận từ phía Ngân hàng đối với việc chủ sở hữu tài sản thế chấp thực hiện thủ tục liên quan đến chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng Tài sản thế chấp cho người khác.” trước khi ký hợp đồng đặt cọc ( thao tác này tốn nhiều thời gian của các bên, tuy nhiên sẽ là cách bảo vệ quyền lợi của nguời mua).
Tâm sự với mọi người thì mình cũng đã có giao dịch đặt cọc mà các bên vui vẻ ký hợp đồng đặt cọc mà không thực hiện hết những thao tác trên. ( trộm vía thì chưa xảy ra trường hợp không vui). Bởi việc mua bán giữa 02 bên đã quá tin tưởng nhau, việc đặt cọc là để bên bán hiểu rằng bên mua thiện chí với giao dịch này, và cũng vì 02 bên thấy mất thời gian.
Nhưng qua lần đó, mình học được rằng, càng tin tưởng nhau thì càng phải làm kỹ khâu này, và đặc biệt là đối với những tài sản giá trị lớn. Nên những giao dịch sau đó mình đã làm kỹ hơn, đúng là sợi dây kinh nghiệm càng đi càng rút, chưa biết khi nào dừng lại ^^ .
Mong rằng những chia sẻ của mình có ích tới anh chị đang quan tâm chủ đề này.